'Vận hạn' bất ngờ của hãng xe Trung Quốc sắp rót hơn 23.000 tỷ vào Việt Nam

Triệu hồi hàng trăm xe

Vào hồi đầu tháng 4/2024, theo thông tin được đăng tải trên Dân trí, một nữ chủ xe Chery Omoda 5 tại Malaysia đã lên tiếng về chiếc xe bị lỗi phanh của mình trên mạng xã hội. Theo nữ tài xế này, chiếc xe mới ra khỏi trung tâm dịch vụ của hãng thì bất ngờ bị mất phanh trên cao tốc. Nữ chủ xe cũng cho biết cô mới mua chiếc SUV cỡ B này được 2 tháng nhưng đã phải đến trung tâm dịch vụ vài lần. Video được đăng tải của cô đã có hơn 1.6 triệu lượt xem, và thu hút lớn sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Đến cuối tháng 4/2024, thương hiệu Chery đã phải tức tốc ra lệnh triệu hồi gần 600 chiếc xe ở Malaysia sau vụ việc một chiếc xe Chery Omoda 5 mới mua đang lăn bánh trên đường bỗng dưng gãy trục sau. Theo phản ánh, lúc xảy ra tai nạn, xe không có va chạm, đoạn đường xe chạy qua không có ổ gà nhưng vẫn gãy trục bánh sau ở giữa đường.

Sau đó 2 tuần, ngày 14/5/2024, Chery Omoda 5 tiếp tục bị triệu hồi ở thị trường Indonesia. Tổng cộng có tới 420 chiếc xe Omoda 5 1.5T (phiên bản Z và RZ) bị ảnh hưởng tại thị trường này.

XEM CHI TIẾT

Chery Omoda 5 bị triệu hồi do lỗi trục bánh sau tại Malaysia

Gần đây, ngày 23/5, nhà phân phối của Chery tại thị trường Philippines thông báo triệu hồi đối với Chery Tiggo 5X Pro. Theo đó, sẽ có khoảng 100 chiếc Chery Tiggo 5X Pro, sản xuất trong năm 2024 nằm trong diện phải khắc phục lỗi do lo ngại trước nguy cơ mất an toàn ở hệ thống treo sau.

Được biết, Tiggo 5X Pro dùng chung nền tảng với Omoda 5 – mẫu xe từng bị thu hồi tại 2 thị trường Đông Nam Á vừa kể phía trên.

Nhà phân phối khẳng định quá trình kiểm tra sẽ chỉ tốn 30 phút và nếu sản phẩm bị lỗi, thời gian xử lý thay thế phụ tùng cũng chỉ mất tối đa 5 tiếng đồng hồ và hãng sẽ chịu trách nhiệm chi trả mọi chi phí phát sinh đối với khách hàng.

XEM CHI TIẾT

Trước đó, vào đầu năm 2024, chi nhánh Chery tại Australia đã thông báo chương trình triệu hồi liên quan đến 5.901 chiếc Chery Omoda 5 do lỗi liên quan đến hệ thống phanh. Các xe Omoda 5 thuộc diện triệu hồi có thời gian xuất xưởng từ năm 2022 – 2023 được xác định bị lỗi trong quá trình sản xuất, khi bu-lông giữ mối nối ống phanh có thể chưa được siết chặt, theo báo Thanh niên đưa tin.

Có thể thấy rằng, dù chưa chính thức ra mắt tại Việt Nam, song thương hiệu Chery đang đón nhận rất nhiều thông tin bất lợi.

Theo thông tin từ hãng, Chery dự kiến sẽ khai trương hệ thống nhà phân phối, chính thức tung ra tại Việt Nam sản phẩm Omoda C5 (ở các thị trường quốc tế có tên là Omoda 5) và Jaecoo 7 vào khoảng quý 3 năm 2024.

Omoda 5 dự kiến sẽ về Việt Nam trong quý 3 năm 2024

Đầu tháng 4/2024 thương hiệu này đã công bố kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình trị giá 800 triệu USD (tương đương hơn 23.000 tỷ đồng), để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda và Jaecoo.

Được biết, kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô sẽ được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ bắt đầu vào quý 3 năm nay và hoàn thành vào quý 1 năm 2026 với số vốn đầu tư 220 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng), công suất dự kiến khoảng 50.000 xe/năm.

Giai đoạn 2 (2031 – 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng), công suất 100.000 xe/năm và giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng), công suất 200.000 xe/năm.

Thế khó của Chery

Có thể thấy, các vấn đề người dùng xe Chery Omoda 5 hay Chery Tiggo 5X Pro gặp phải sẽ khiến một bộ phận người tiêu dùng cảm thấy băn khoăn và đặt dấu hỏi về chất lượng xe của hãng.

Cách đây 11 năm, ngay từ thời điểm ra mắt mẫu xe đầu tiên Cherry QQ3 tại Việt Nam, Chery có doanh số khá ế ẩm. Doanh số năm 2012 của Cherry QQ3 khoảng 146 xe nhưng 8 tháng đầu năm 2013 Cherry QQ3 chỉ tiêu thụ được 1 chiếc. Sau một thời gian ngắn kể từ khi ra mắt, cái tên Chery QQ3 gần như không còn được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Một mẫu xe khác của Chery là Riich M1, tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. Điều đó khiến Chery phải rút lui khỏi thị trường. Ở lần trở lại này, Chery liệu có thể có được sự quan tâm của người tiêu dùng?

Cherry QQ3 có doanh số ế ẩm khi ra mắt thị trường Việt Nam

Theo một bài viết trên Đời sống pháp luật, sau nỗ lực thăm dò thị trường với một số chiến dịch truyền thông về sản phẩm, một vài sự kiện trưng bày xe nội bộ, thì cộng đồng dường như vẫn còn khá thờ ơ với hãng xe này. Fanpage của Omoda Việt Nam phần lớn không có nhiều sự tương tác.

Bên cạnh đó, trở ngại lớn mà hãng xe Trung Quốc đang phải đối mặt là vấn đề về chất lượng sản phẩm trong quá khứ. Theo đó, trong quá khứ, một số xe Trung Quốc đã gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn và chất lượng, khiến lòng tin của người tiêu dùng bị lung lay. Tất nhiên, các hãng xe này đã cải thiện công nghệ rất nhiều trong những năm gần đây, nhưng việc xây dựng lại lòng tin của người tiêu dùng không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được.

Tạp chí kinh doanh dẫn đánh giá từ WapCar – một trang web ô tô của Malaysia chuyên theo dõi thị trường ô tô Đông Nam Á cho rằng người Việt thường liên tưởng “ô tô chất lượng cao, giá cả phải chăng” với xe Hàn Quốc, chứ không phải xe đến từ Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, việc có thể thuyết phục khách hàng về chất lượng và giá trị của sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng nhất đối với thành công của ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.