Bê bối gian lận
Ngày 3/6, Toyota và nhiều hãng xe Nhật Bản thông báo tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe, sau khi cơ quan quản lý phát hiện ra bất thường trong các đơn xin chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Những vụ bê bối của các nhà sản xuất đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản, phủ bóng đen lên nền ô tô Nhật Bản. Trang Chinanews ngày 4/6 đã đăng tải một bài viết về thực trạng chung của ngành sản xuất ô tô Nhật Bản thời gian gần đây.
Sau bê bối gian lận khí thải của Mitsubishi, ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản lại một lần nữa rung chuyển trước làn sóng cáo buộc gian lận dữ liệu từ các tên tuổi lớn như Toyota, Mazda. Sự việc này không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn giáng một đòn mạnh vào bức trường thành mang tên “Made in Japan”.
Mở đầu cho chuỗi bê bối chấn động là lời xin lỗi của Chủ tịch Toyota – ông Akio Toyoda – về hành vi “vi phạm quy định kiểm tra và đệ trình dữ liệu sai lệch”. Vụ việc được phơi bày sau khi Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô trong nước kiểm tra và báo cáo về các sai phạm tương tự. Tính đến cuối tháng 5, bên cạnh Toyota, bốn ông lớn khác là Mazda, Yamaha Motor, Honda Motor và Suzuki cũng thừa nhận hành vi gian lận trong các bài kiểm tra hiệu suất xe.
Nhiều hãng xe lớn của Nhật Bản trong đó có Toyota dính bê bối gian lận kiểm định an toàn. Xe trong ảnh là sản phẩm bán tại thị trường Nhật. Ảnh: Toyota
Trước làn sóng phẫn nộ từ dư luận, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản – ông Hirokazu Matsuno – bày tỏ sự thất vọng sâu sắc, đồng thời khẳng định hành vi này “làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản”. Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha Motor “tạm dừng xuất xưởng một số dòng xe ô tô và xe máy đang sản xuất” và “giải thích rõ ràng cho người tiêu dùng”. Các biện pháp xử lý tiếp theo sẽ được đưa ra sau khi có kết quả kiểm tra tại chỗ dựa trên luật pháp hiện hành.
Lùm xùm gian dối dữ liệu không chỉ là vết nhơ của riêng Toyota mà còn là “bài toán chung” của ngành sản xuất ô tô Nhật Bản trong những năm gần đây. Điều này khiến người tiêu dùng quốc tế thêm một lần nữa đặt câu hỏi về chất lượng “xe hơi Nhật”. Thực tế, doanh số bán hàng của hai ông lớn Toyota và Honda tại thị trường Trung Quốc trong quý I/2024 đã giảm sút đáng kể. Cụ thể, Toyota ghi nhận doanh số bán 374.000 xe, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Honda chỉ bán được 207.000 xe, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích về sự sụt giảm này, ông Thôi Đông Thụ – Tổng thư ký Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc – nhận định nguyên nhân chính đến từ sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Thị phần xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống đang bị thu hẹp nhanh chóng, trong khi các thương hiệu nội địa Trung Quốc lại đang bứt phá ngoạn mục với dòng xe năng lượng mới. Trong bối cảnh đó, các hãng xe Nhật Bản với dòng xe năng lượng mới còn nhiều hạn chế đang dần đánh mất thị phần.
Tuy nhiên, giữa “tâm bão”, Toyota Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định các mẫu xe Toyota, Lexus bán ra tại thị trường Trung Quốc “không liên quan đến vụ việc”, đồng thời nhấn mạnh các thử nghiệm chứng nhận đều “được thực hiện theo luật pháp và quy định của Trung Quốc dưới sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan quản lý Trung Quốc”. Trong một diễn biến khác, ông Masahiro Moro – Giám đốc điều hành Mazda – đã cúi đầu nhận lỗi trước công chúng và khẳng định: “Khiến khách hàng sử dụng xe Mazda lo lắng, tôi cảm thấy có lỗi… Tôi xin nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với tư cách là người điều hành”.
Những lần cúi đầu xin lỗi
Ngày 3/6, trong họp báo tại Nhật Bản, ông Akio Toyoda – Chủ tịch Toyota, cúi gập người thừa nhận có những bất thường trong bài kiểm tra an toàn. “Chúng tôi không phải là một công ty hoàn hảo. Nhưng nếu chúng tôi nhận thấy bất kỳ sai sót nào, chúng tôi sẽ lùi lại một bước và tiếp tục nỗ lực sửa chữa”, ông Toyoda nói.
Chủ tịch Toyota Motor Corp. Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo. Ảnh: Getty Images
Cũng trong ngày 3/6, các lãnh đạo của Honda đã lên tiếng xin lỗi vì đã thực hiện kiểm tra không đúng quy trình. Giám đốc điều hành Toshihiro Mibe cho biết: “Chúng tôi coi trọng vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng tôi xin lỗi sâu sắc”, ông nói và cúi đầu xin lỗi, tờ Japan Times đưa tin.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Honda Motor Toshihiro Mibe (trái) cúi đầu trong họp báo ở Tokyo vào ngày 3/6.
Trước đó cuối tháng 12 năm ngoái, trong cuộc họp báo tại Tokyo, các Giám đốc điều hành của Toyota Motor và công ty con Daihatsu Motor đã xin lỗi về vấn đề gian lận trong khâu kiểm tra an toàn xe. “Tập thể lãnh đạo Daihatsu xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này”- Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira nói tại cuộc họp báo.
Lãnh đạo Toyota, Daihatsu xin lỗi sau khi bê bối của Daihatsu được công bố.
Trong năm 2018, hãng xe Nhật Nissan thừa nhận gian lận kết quả thử nghiệm khí thải và mức tiết kiệm nhiên liệu đối với 19 mẫu xe bán tại thị trường nội địa. “Chúng tôi hiểu và lấy làm tiếc vì sự việc này”, đại diện Nissan nói trong một thông báo.
Trước Nissan, năm 2016, Mitsubishi cũng vướng vào bê bối gian lận mức tiêu hao nhiên liệu. Sự việc khiến Mitsubishi khủng hoảng, thiệt hại lớn với những cuộc triệu hồi, bồi thường lên đến hàng tỷ USD. Theo đó, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từng thừa nhận đã gian lận bài kiểm tra hiệu suất nhiên liệu trên gần như mọi mẫu xe hãng bán ra trong suốt 25 năm, từ năm 1991. Trong buổi họp báo, ban lãnh đạo Mitsubishi đã cúi gập người xin lỗi về vụ gian lận kể trên kèm lời chia sẻ: “Chúng tôi bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc đến tất cả khách hàng và các bên liên quan của chúng tôi cho vấn đề này”.
Các lãnh đạo Mitsubishi xin lỗi trong buổi họp báo. Ảnh: Reuters
Năm 2017, sự sụp đổ của hãng túi khí lớn nhất Nhật Bản Takata là một cú sốc với ngành công nghiệp ôtô Nhật. Thêm vào đó, Kobe Steel, hãng cung cấp thép cho hàng loạt tên tuổi như Toyota, Honda, Nissan, Mazda trong sản xuất xe hơi, thừa nhận gian lận chất lượng thép hồi tháng 10/2017.
Thương hiệu Subaru cũng được gọi tên trong scandal chất lượng ôtô Nhật Bản. Hãng xe nổi danh với động cơ Boxer thừa nhận gian lận mức khí thải và tiết kiệm nhiên liệu hồi đầu 2018.
Những bê bối gần đây có thể nói là đòn đau giáng vào vị thế thống trị của ô tô Nhật Bản trên thị trường thế giới, nhất là khi ô tô châu Âu và Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Đồng thời cũng làm suy yếu danh tiếng về chất lượng của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản – vốn được xem là trụ cột trong lĩnh vực sản xuất của quốc gia này.